Theo tâm lý gia Erik Erikson (15 June1902 – 12 May 1994), hoàn cảnh chung quanh ảnh hưởng rất mãnh liệt trong việc phát triển tính tình con người. Ông phân chia cuộc sống con người theo 7 giai đoạn tâm lý căn bản, và nhấn mạnh rằng người ta chỉ có thể phát triển đầy đủ ở một giai đoạn nào đó về phương diện tình cảm, tâm lý, xã hội, nếu giai đoạn trước đó không bị gián đoạn.
1. Tuổi 0 – 3: Ấu Nhi
2. Tuổi 3-5: Thiếu Nhi
3. Tuổi 6-12 (Thiếu niên):
4. Tuổi 13 – 19 (Thanh Thiếu niên: gồm hai giai đoạn chuyển tiếp: tuổi 13 – 15/16 và tuổi 15/16 -19):
5. Tuổi 20- 35 (Thanh niên):
6. Tuổi 35 – 60 (Trung niên):
7. Tuổi 60- (Cao niên):
a. Tâm lý lứa tuổi ấu nhi (1 – 3 tuổi) Với lứa tuổi ấu nhi, đứa bé bắt đầu “thôi nôi”, lẫm chẫm tập đi những bước đầu đời, đưa tay sờ nắm bất cứ vật gì nằm trong tầm tay, dõi mắt khám phá những khung cảnh tương đối xa hơn và hoàn toàn mới lạ hơn, phạm vi tương quan tiếp xúc với người khác cũng rộng hơn chứ không chỉ dừng lại nơi vòng tay người mẹ. Do vậy, cần chuẩn bị cho bé một không gian và môi trường an toàn, khoáng đãng, không ô nhiễm về tiếng động và khí thở, có nhiều đồ vật tròn trĩnh, dễ thương, nhiều màu sắc hài hòa mà hấp dẫn, nhất là tình yêu thương trìu mến dành cho bé.
b. Tâm lý lứa tuổi nhi đồng (3 – 7 tuổi) Lứa tuổi này sống trong sự thần tiên huyền diệu, trong một thế giới mà ý muốn của bé là toàn năng. Thích làm trò vui và pha trò duyên dáng, rất đỗi trẻ con. Chính vì sự thần tiên đó mà lứa tuổi này muốn là trung tâm điểm của vũ trụ, muốn người khác chú ý, vì vậy rất độc tài ; hay ganh tỵ và hờn dỗi nếu không thỏa mãn tự ái. Lứa tuổi này hay bắt chước, nhất là bắt chước cha mẹ, (bắt chước cả lời ăn tiếng nói lẫn hành vi, cử chỉ) đồng thời rất hay đặt câu hỏi ‘tại sao’.
Cần lưu ý một điều, lứa tuổi này như một tờ giấy trắng (tabula rasa), rất dễ ghi lên đó những gì ta muốn; tuy nhiên, phải hết sức thận trọng: những lời nói hay cử chỉ của ta (dù là vô tình) đều được trẻ con copy nhanh chóng.
c. Tâm lý chung của trẻ từ 7-8 tuổi. Lứa tuổi này trẻ đã nhanh chóng phân biệt được chuyện thần tiên và chuyện thật cũng như phân biệt được điều thiện và điều ác. Lứa tuổi đã biết suy nghĩ, chín chắn hơn một chút dù còn rất ham vui. Thích tìm hiểu và đã biết so sánh (so sánh các ý kiến với nhau, so sánh những gì đã học được với thực tế, so sánh lời nói với việc làm của người khác). Lứa tuổi đã bắt đầu đi học nên tính cộng đoàn, đồng đội, bạn bè cũng bắt đầu phát triển. Dễ sống hòa đồng nhưng cũng muốn biết người khác nghĩ gì về mình. Lứa tuổi thích thưởng thức các vẻ đẹp thiên nhiên, biết hướng nội.
d. Tâm lý chung của trẻ từ 10-12 tuổi. Đây là lứa tuổi mà chúng ta dễ nhận ra tâm tính, tánh tình của chúng nhất. Lứa tuổi này thường hướng ngoại, thích hoạt động và khám phá, do đó dễ bị ngoại cảnh lôi cuốn. Lứa tuổi chú trọng đến chuyện công bằng nên thiên về luật lệ (khi chơi thì chú trọng luật chơi, khi học thì để ý đến tính toán, văn phạm…). Vì vậy trẻ đã bỏ hẳn những chuyện thần tiên nhưng đồng thời lại ưa thích chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Lứa tuổi này trí nhớ đã phát triển mạnh bên cạnh những vấn đề thuộc phái tính. Tuy nhiên, chúng thường đánh giá nhau theo những tiêu chuẩn phụ thuộc bên ngoài (con trai : học giỏi, khỏe mạnh, chơi hay, … con gái : tóc dài, mắt to…). Lứa tuổi đã có bạn thân, thường tụ tập thành nhóm chơi với nhau và rất dễ bị ảnh hưởng nhau, thích làm nổi (dù là tiêu cực) để khẳng định cái tôi của mình trong nhóm hoặc trong một cộng đoàn.
Về phương diện giáo dục, cần phải hết sức tránh để trẻ bị bất mãn, vì lứa tuổi này là thế. Các cử điệu không còn phù hợp nữa (đôi khi còn là điều cấm kỵ đối với một số em có tính mắc cỡ). Cần hướng dẫn trẻ đi vào chiều sâu hơn là hình thức bên ngoài để các em có thể tự mình khám phá.
e. Tâm lý của trẻ từ 13-15 tuổi. Đây là một lứa tuổi chuyển tiếp giữa trẻ con và người lớn. Lứa tuổi này nổi tiếng là bướng, khó dạy và vô kỷ luật, đòi hỏi các nhà giáo dục và các bậc hữu trách phải hết mực lạc quan, khéo léo và thạo tâm lý.
còn tiếp…