Tuổi thiếu niên là giai đoạn phát triển tự nhiên rất quan trọng trong đời người. Không qua giai đoạn này, con người không thể thoát ra khỏi tuổi trẻ để bước vào giai đoạn trưởng thành. Lứa tuổi này được coi là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn. Cần nắm bắt tâm lý của lứa tuổi này, hầu đưa ra những chủ đề thích ứng. Đặc tính tâm lý chung của lứa tuổi này là duy ngã (quy hướng về mình), tình cảm và mơ mộng
1. Tư tưởng :
– Có tính chủ quan : Chỉ đón nhận chân lý nếu thấy nó liên quan đến mình như đáp ứng ước vọng, giải đáp âu lo.
– Mơ ước lý tưởng đẹp, dễ xa thực tế : điều mơ ước quan trọng hơn thực tế. Lứa tuổi này coi sự thật là cái lý tưởng đòi hỏi chứ không phải là cái đã xảy ra thật. Các em thường hướng về tương lai, ít chú trọng đến thực tế phũ phàng của đời sống.
– Tư tưởng pha lẫn đam mê : dễ cảm phục những gì cao đẹp. Các vị anh hùng được lứa tuổi này thán phục, suy tôn.
– Tư tưởng đượm tình cảm, quá tuyệt đối và hay thay đổi: điều gì hợp thì khen, điều không ưa thì chê. Có khi đang khen bỗng quay ra chê, đang phấn khởi đột nhiên thất vọng.
– Hay phê bình, chống đối. Nhưng những phê phán của lứa tuổi này còn bị tình cảm chi phối.
2. Tình cảm :
– Các em đang ở lứa tuổi dậy thì, nên đa cảm, mơ mộng.
– Lo âu, khép kín thắc mắc nhiều về sinh lý nhưng không dám hỏi bố mẹ và người lớn vì sợ bị la rầy và chế diễu, còn hỏi bạn bè cùng tuổi thì bế tắc. Các em cũng lo âu về những khuyết tật trên cơ thể nên dễ buồn chán, tự cắt đứt thân mật với gia đình, còn gia đình lại nói các em vô ơn.
– Tính tình thay đổi đột ngột, rất nhạy bén với những lời nói vô tình của người lớn. Một lời nói khó chịu có thể đưa đến những rối loạn tình cảm ghê gớm. Trái lại chỉ có một cái nhìn cũng đủ cho các em lứa tuổi này tìm được khích lệ, an ủi.
3. Nhân cách :
– Các em đang ở độ tuổi giao thời: từ trẻ em trở thành người lớn, hay một lứa tuổi gọi là “một nửa trẻ con, một nửa người lớn”, nên rất dễ bất phục tùng và rất khó dạy.
– Ngưỡng mộ gương anh hùng, thích thần tượng hóa những ai các em thích như cầu thủ bóng đá, tài tử điện ảnh, ca kịch, diễn viên, người mẫu…
– Khao khát tự do, quảng đại, hy sinh, chân thành, bản lĩnh.
– Các em bắt đầu nhận ra khả năng của trí tuệ có thể chi phối mọi sự.
4. Xã hội tính :
– Thích độc lập, tự nguyện.
– Thích được theo nhóm bạn, lập nhóm, nhập”băng”.
– Muốn “nổi loạn”gây sự chú ý, chơi nổi, chơi trội, chơi “hàng độc”.
– Thích đánh giá người lớn, so sánh giữa những lời nói và hành động cụ thể của người lớn.
– Không thích sống loanh quanh trong khung cảnh gia đình, bóng dáng cha mẹ đâm ra quá quen thuộc và sẽ nhàm chán nếu cha mẹ quá khó chịu, các em muốn mở rộng tương giao với mọi người.
5. Hành động :
– Muốn làm người lớn : qua việc bắt chước người lớn.
– Không thích làm những việc quen thuộc và bình thường do người lớn giao cho. Ngược lại, trước một công việc thật sự mới lạ, hứa hẹn nhiều khó khăn và đòi hỏi trách nhiệm cao, thì các em lại thích thú và sẵn sàng đảm nhận.
– Các em nam : thích biểu dương sức mạnh.
– Các em nữ : hướng về nội tâm, nếu có hướng ngoại cũng là hướng ngoại trong tâm tưởng qua việc viết nhật ký, chép thơ, thích viết lưu bút, làm dáng… thích học thêu thùa, may vá; bắt đầu lo việc cơm nước, giặt giũ…
– Hoạt động theo nhóm, hăng say với công việc hợp sở thích.