Đây là lứa tuổi các em trở thành một học sinh ở trường phổ thông, chứ không còn là một em bé mẫu giáo “học mà chơi, chơi mà học” nữa. Đó là một chuyển biến rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, một đặc trưng quan trọng của lứa tuổi này.
Trước khi nói đến sự phát triển nhân cách của lứa tuổi này ta nói về những thay đổi về cơ thể, môi trường sống và hoạt động của lứa tuổi này: nhìn chung ở lứa tuổi này có những thay đỗi cơ bản về những đặc điểm giải phẫu sinh lý. So với trẻ mẫu giáo, lứa tuổi này đang diễn ra một sự kiện toàn đáng kể về cơ thể; não bộ, hệ xương, hoạt động của tim mạch, hệ thần kinh. Đây là những tiền đề vật chất quan trọng tạo điều kiên cho trẻ chuyển sang hoạt động khác về chất so với hoạt động vui chơi ở tuổi mẫu giáo.
Bước chân đến trường, đó là một biến đổi quan trọng trong đời sống của trẻ em cấp I, điều đó làm thay đổi một cách căn bản vị trí của trẻ trong xã hội, trong gia đình, cũng như thay đổi cả nội dung và tính chất hoạt động của chúng.
Trở thành một học sinh chính thức trẻ bắt đầu tham gia một hoạt động nghiêm túc, một hoạt động xã hội, với đầy đủ ý nghĩa xã hội trọn vẹn của nó. Hoạt động học tập trở thành hoạt động chủ đạo của các em.
Nội dung học tập với nhiều tri thức phong phú, nhiều môn học có tính chất khác nhau (toán, làm văn, thủ công) đề ra những yêu cầu cao cho các em, buộc các em phải phấn đấu, nỗ lực vượt mọi khó khăn trở ngại. theo A.V.Petrovski, các em mới đến trường thường gặp ít nhất ba khó khăn sau:
• Thứ nhất là học tập mới mẻ, phải dậy sớm, đến trường đúng giờ, phải làm bài tập đúng hạn, phải có cách học tập mới thích hợp.
• Thứ hai là mối quan hệ mới của các em với thầy, bạn, với tập thể lớp, các em lo ngại, rụt rè, thậm chí sợ sệt trước mọi người, các em chưa quen sinh hoạt với tập thể v.v… dần dần những khó khăn này sẽ giảm đi ở các lớp cuối cấp.
• Thứ ba là nhiệm vụ học tập làm trẻ mệt mỏi, uể oải. khó khăn lại này thường nảy sinh sau vài ba tháng ban đầu, có nhiều thích thú mới lạ trong việc đi học: đó là sự thích thú cái vẻ bên ngoài hấp dẫn của nhà trường ( trường to, rộng, nhiều bàn ghế, nhiều tranh ảnh, nhiều bạn vui chơi nhộn nhịp…)
Đó là những vấn đề cần chú ý đối với các học sinh lớp một tuy nhiên việc giải quyết những khó khăn trên có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển tâm lý ở các em.
Đặc điểm nhân cách của lứa tuổi học sinh tiểu học là:
Đây là giai đoạn học sinh bắt đầu tham gia vào hoạt động mang tính xã hội hóa mạnh mẽ để tiếp nhận hệ thống thống tri thức khoa học của loài người. dưới ảnh hưởng của hoạt động học tập, nhân cách của học sinh có nhiều biến đổi phong phú và sâu sắc.
Đầu tiên ta nói về sự phát triển của các quá trình nhận thức: ở lứa tuổi này diễn ra một sự phát triển toàn diện về các quá trình nhận thức như sau:
– Tri giác của các em đã phát triển hơn hẳn
– Trí nhớ của các em đang phát triển mạnh
– Tưởng tượng của các em phát triển mạnh hơn và phong phú hơn
– Tư duy của các em phát triển rất nhanh
– Năng lực trừu tượng hóa và khái quát hóa đang phát triển mạnh
– Ngôn ngữ của các em có sự phát triển rõ rệt
– Các chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế.
Tiếp theo là sự phát triển của xúc cảm – ý chí: đời sống xúc cảm, tình cảm của học sinh tiểu học khá phong phú, đa dạng và cơ bản là mang tính tích cực. trẻ em rất vui mừng vì tình bạn mới với bạn cùng lớp, tự hào vì được gia nhập Đội, hãnh diện vì được giáo viên, chỉ huy đội giao cho những công việc cụ thể, ở học sinh tiểu học tính tự kiềm chế và tính tự giác được tăng cường bộc lộ ở sự ổn định của những trạng thái cảm xúc. Các em biết điều khiển tâm trạng của mình, thậm chí còn biết che dấu tâm trạng khi cần thiết. nhìn chugn học sinh tiểu học cân bằng hơn tuổi mẫu giáo và thiếu niên. Tâm trạng sảng khoái, vui tươi thường bền vững, lâu dài là biểu hiện vốn có ở học sinh tiểu học. đó là những điều kiện thuận lợi để giáo dục những chuẩn mực đạo đức cũng như hình thành những phẩm chất trí tuệ cần thiết.
Đặc điểm nhân cách của học sinh tiểu học nỗi bật ở những nét sau:
– khả năng nhận thức phát triển nhanh chóng nhờ hoạt động học tập
– đời sống cảm xúc, tình cảm chiếm ưu thế hơn và chi phối mạnh mẽ đến các hoạt động, nhận thức của trẻ.
– Tính hồn nhiên, vui tươi hướng về những cảm xúc tích cực.
– Hay bắt chước những người gần gũi, có uy tín với trẽ (cha mẹ, thầy cô, bạn bè…)
– Hành vi ý chí chưa cao, bản tính hiếu động, khó kiềm chế, kém tự chủ nên dễ phạm lỗi, nhất là đối với các yêu cầu có tính nghiêm ngặt, đòi hỏi sự tập trung cao độ, gây căng thẳng.
Nhân cách của học sinh tiểu học chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gia đình, nhà trường, xã hội. trong đó những ảnh hưởng từ cha mẹ, thầy cô là rất quan trọng vào đầu tuổi và sau đó là các ảnh hưởng từ bạn bè và phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, phim ảnh…
Đặc điểm nỗi bật nhất là đời sống tình cảm của học sinh tiểu học. các em đang ở lứa tuổi ngây thơ, trong trắng, rất dễ xúc cảm trước hiện thực, rất dễ hình thành những tình cảm tốt đẹp. các em dễ xúc cảm mạnh, đã có ấn tượng khá sâu sắc và khá bền vững. các em sống nhiều bằng tình cảm và bị ảnh hưởng nhiều bởi tình cảm.
Tình cảm của các em mang tính cụ thể , trực tiếp và giàu cảm xúc. Nó không chỉ biểu hiện trong đời sống sinh hoạt mà còn trong cả hoạt động trí tuệ, các em tiếp thu kiến thức không đơn thuần bằng lý trí, mà còn dựa nhiều vào cảm tính và đượm màu sắc tình cảm, các em dễ bị “lây” những cảm xúc của người khác. Năng lực tự kiềm chế những biểu hiện tình cảm còn yếu. tình cảm cũng dễ thay đổi, dễ dịu đi nhưng cũng dễ bị kích động, vừa khóc đã có thể cười ngay.
Tình cảm của các em đã có nội dung phong phú và bền vững hơn tuổi mẫu giáo. Những tình cảm cao cấp đang hình thành. Đặc biệt tình cảm gia đình giữ vài trò khá quan trọng. nhiều khii lòng yêu thương cha mẹ trở thành động cơ học tập của các em. Những tình cảm đạo đức, thẫm mĩ thường gắn với những sự vật cụ thể, gần gũi với các em.
Tình bạn và tính tập thể được hình thành và phát triển cùng với tình thầy trò. Tình bạn còn dựa vào hứng thú chung đối với một hoạt động vui chơi hay học tập. nó chưa có cơ sở lí trí vững vàng nên dễ thay đỗi: thân nhau, giận nhau, làm lành với nhau là hiện tượng thường xuyên xảy ra. Tình cảm tập thể có ý nghĩa lớn đối với các em. Các em dễ dàng gắn bó với nhau, những người có vai trò lớn trong tập thể là thầy, cô giáo. Đó là trung tâm của những mối quan hệ giữa các em, là biểu hiện ý kiến chung của trẻ. Những tình cảm rộng lớn hơn như lòng yêu tổ quốc, yêu lao động, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm cũng đang được hình thành.
Những phẩm chất ý chí và tình cảm của học sinh cấp I cũng bắt đầu nãy sinh và phát triển. các em có thể rèn luyện để có tính kế hoạch, tính kiên trì, nhẫn nại, tính mục đích…nhưng nó chưa trở thành những nét tính cách vững chắc. tính độc lập còn yếu. các em chưa vững tin ở bản thân và dựa nhiều vào ý kiến của cha mẹ và thầy giáo. Các em thường bắt chước họ một cách máy móc, và coi họ là mẫu mực phải noi theo.
Năng lực tự chủ đã có nhưng còn yếu, tính tự phát còn nhiều, đo đó khó giữ kỹ luật, trật tự, nhiều khi các em vi phạm kỹ luật một cách vô ý thức.
Các em có tính hiếu động cao, thích vận động chạy nhảy, hò hét, vật lộn…
Các em rất hay bắt chước, có thể bắt chước khá tỉ mỉ chi tiết, nhưng lại hay chú ý những đặc điểm bên ngoài và bắt chước thiếu lựa chọn: kẻ say rượu, người điên khùng, người tàn tật… nói chung là những cái gì ly kỳ, mới lạ. vì thế nếu giáo dục không tốt, trẻ có thể có những hành vi không tốt, như nói tục, đánh nhau, chửi thề, trêu chọc mọi người, phá phách nghịch ngợm, tác quái…
Những nét tính cách tốt đã có thể hình thành ở các em như tính thật thà, dũng cảm,… từ việc nhặt của rơi đem trả lại. đến việc nhảy xuống sông cứu bạn, thậm chí đến việc tiếp đạn cho bộ đội đánh giặc, bắt cướp bảo vệ nhân dân… đều có thể có ở các em học sinh tiểu học.
Đặc điểm nhân cách của các em đã bộc lộ rõ ra bên ngoài qua hành vi và cử chỉ, chúng cũng ít có mâu thuẫn hơn, đó là điều kiện thuận lợi trong việc tìm hiểu nhân cách của các em. Tuy nhiên cần chú ý nhìn rõ những trạng thái tạm thời, những nét tính cách do sự bắt chước còn ngây thơ của chúng trong khi đánh giá nhân cách của các em.
Hứng thú của các em cũng đã hình thành khá rõ rệt. các em đã có hứng thú học tập, nhưng nhiều khi do kết quả học tập (điểm số) hay lời khen của thầy cô là chính. Đến cuối tuổi, hứng thú mới bắt đầu chịu chi phối bởi nhiều nội dung học tập. Tuy nhiên, nói chung hứng thú chưa được bền vững. các em còn hứng thú lao động, nhất là lao động mang lại những hiểu biết mới, lao động mang tính chất vui chơi. Các em rất thích trồng cây, chăn nuôi, rất thích động vật nuôi trong nhà (chó, mèo…) các em cũng bắt đầu có hứng thú đọc sách, xem tranh, nghe kể chuyện, ca hát, đá bóng, xem phim…
Các em có nhiều ước mơ tươi sáng, ly kỳ (lên cung trăng, lái máy bay, xe tăng…) những ước mơ này còn xa thực tế, nhưng đẹp và có ý nghĩa giáo dục đối với các em. Nội dung các em thích cái đẹp, cái vui, cái mới, cái độc đáo, ly kỳ…
Nội dung giáo dục đối với lứa tuổi này là:
– Phát triển khả năng nhận thức và phẩm chất trí tuệ thông qua hoạt động học tập
– Rèn luyện tác phong và các thói quen hành vi đạo đức cơ bản của con người theo chuẩn mực xã hội
– Khắt phục dần các nhược điểm trong đời sống tình cảm (tính hay thay đổi, cách biểu lộ tình cảm không phù hợp…), giúp trẻ biết cảm nhận và biểu lộ tình cảm của mình.
– Rèn luyện các phẩm chất của hình vi ý chí (tính tự chủ, độc lập, khả năng tự kiềm chế…)
– Giúp trẻ biết chọn lựa, thu nhận những tác động lành mạnh từ những phương tiện thông tin.
Cách thức giáo dục đối với lứa tuổi này là:
– Lấy sự gương mẫu của các nhà giáo dục làm phương tiện giáo dục.
– Xây dựng, hướng dẫn các nhóm bạn bè của trẻ để tạo nên những ảnh hưởng tích cực trên nhân cách.
– Tổ chức, quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng.
– Căn cứ trên những nhu cầu của lứa tuổi để tổ chức, hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động cần thiết cho sự phát triển như: học tập, vui chơi, lao động, hoạt động xã hội…
Kết luận sư phạm:
Như vậy thông qua các tác động đón đầu sự phát triển giáo dục lứa tuổi tiểu học không chỉ thúc đẩy sự phát triển nhân cách cá nhân mà còn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. tuy nhiên giáo dục không phải là vạn năng, không thể một mình quyết định toàn bộ tiến trình phát triển nhân cách. Giáo dục chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhân cách thông qua những tác động có tính chủ đạo. vì vậy, để giáo dục thực sự đóng vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách cần có điều kiện sau:
– công tác dự báo về xu hướng phát triển của xã hội phải đưa ra những định hướng đúng đắn để giáo dục thực hiện tốt chức năng đón đầu sự phát triển
– các yếu tố trong quá trình giáo dục phải thống nhất với nhau, nhà giáo dục phải giữ vai trò chủ đạo, người được giáo dục phải thể hiện vai trò chủ động.
– phải có sự kết hợp chặt chẽ ba lực lượng giáo dục: gia đinh, nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ đạo, những yếu kém của giáo dục thường có nguyên nhân từ sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa ba lực lượng giáo dục này.
– Các tác giả phải nắm vững đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng tiếp nhận tác phẩm.
– Nhà giáo dục phải có phẩm chất và năng lực để làm tốt công tác giáo dục.