Cách tiếp cận danh tác văn học Việt Nam hữu hiệu

Để chị Dậu không giống nữ sinh Nhật?

Thứ bảy, 31/03/2012 15:05

Các tác phẩm văn học thuộc hàng danh tác Việt Nam lâu nay vẫn được một số đơn vị khai thác xuất bản lại dưới nhiều hình thức, song không mấy thu hút người đọc cho đến khi xuất hiện dạng chuyển thể truyện tranh.

Đến thời điểm này, có 4 tác phẩm được “truyện tranh hóa” gồm: “Chí Phèo” (Nam Cao), “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), “Giông tố” (Vũ Trọng Phụng), và “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng). Trong đó, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mới ra mắt tập đầu dịp hội sách TP.HCM vừa qua.

“Chiếc lược ngà” gây sốt nhẹ khi không gian Nam bộ thời kháng chiến cùng những nhân vật ông Sáu, bé Thu quen thuộc với bạn đọc được tái hiện sống động qua những ô tranh. Đặc biệt, tập 1 dừng lại đúng cao trào bé Thu cất tiếng gọi ba đầu tiên sau bao năm đè nén, được nhóm họa sĩ thể hiện tốt, lấy nước mắt người đọc.

Trong tác phẩm gốc, những đoạn văn của Nguyễn Quang Sáng vốn đã làm người đọc ứa nước mắt. Vào truyện tranh, cảm xúc được đẩy thêm lên bằng nét vẽ kịch tính. Các tác giả chuyển thể còn phóng tác thêm tình tiết vốn không có trong truyện gốc, với 10 trang vẽ mô tả cảnh bé Thu chạy, vấp ngã trên bờ kênh, nước mắt lưng tròng thẫn thờ nhìn theo chiếc xuồng rẽ nước đưa ba mình đi mất hút trong tiếng kêu tha thiết “Ba về, nhớ mua cho con một cây lược, nghen ba!”.

Đây là một ví dụ về nỗi sợ hãi của những tác giả có tác phẩm được chuyển thể sang hình thức khác: sợ đứa con tinh thần của mình bị bóp nặn méo mó. Nhưng không chỉ dựng tranh tốt, phần thêm thắt của các tác giả trẻ trong truyện tranh “Chiếc lược ngà” còn làm được hơn thế, khi duy trì và đẩy cảm xúc người đọc đến điểm tận cùng.

“Tôi rất thích truyện tranh “Chiếc lược ngà”, các bạn họa sĩ đã cảm xúc và thể hiện các cảm xúc của mình qua nét vẽ”, đánh giá ngắn gọn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nói lên mức độ hài lòng thay cho sự sợ hãi… bọn trẻ làm hỏng tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa của mình.

Nghĩ xa hơn từ truyện tranh danh tác

Cái mới thường chịu nhiều phán xét, cảnh giác. Những “Chí Phèo”, “Tắt đèn”, “Giông tố” phiên bản truyện tranh khi mới ra mắt bị xem là không giữ được “hồn vía” trang văn của các bậc thầy chữ nghĩa như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố. Còn về mặt tạo hình, loạt truyện này bị đa số ý kiến trên các trang mạng cho rằng quá giống truyện tranh nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản.

Một số danh tác và tác phẩm đương đại được chuyển thể truyện tranh

Với những người đã quen đọc tác phẩm gốc, và mê nhẩn nha truyện chữ hơn truyện tranh, hai luồng ý kiến chính ở trên là xác đáng. Song với nhóm có sở thích ngược lại, đặc biệt là lớp người đọc trẻ hôm nay, truyện tranh chuyển thể sau một thời gian xuất hiện đã chứng tỏ đây là cách tiếp cận các danh tác văn học Việt rất hữu hiệu.

Bởi tác phẩm gốc nằm trong thư viện gần như bị bỏ quên. Các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa thì chỉ trích đoạn, người học cũng chẳng quan tâm tìm đọc thêm cho trọn vẹn. Số khác được tái bản bắt mắt ngoài nhà sách cũng không thu hút bao nhiêu người mua với lý do đưa ra hầu hết là vì “lắm chữ”, không tương thích với thời buổi cái gì cũng phải nhanh gọn.

Truyện tranh có ưu thế hiệu ứng về mặt thị giác, tác động mạnh, gây hứng thú cho người đọc trong xu thế lười đọc ham nhìn. Có lựa chọn, đánh đổi nào giữa một người say mê đọc sạch 6 tập truyện tranh “Giông tố”, mỗi tập dày khoảng 200 trang, với mười người đọc tác phẩm gốc nhưng chỉ mươi trang là buông sách?

Ngoài truyện tranh danh tác, thị trường còn có một số tác phẩm của các tác giả đương đại ăn khách như Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh cũng được “truyện tranh hóa”, cùng những ấn phẩm truyện tranh bán khá chạy khác của vài đơn vị. Dòng truyện tranh tạm gọi là thế hệ mới này dù rằng khá yếu song đã góp lên tiếng nói trước sự áp đảo của truyện tranh nước ngoài.

Truyện tranh Việt nhìn chung đã giảm thiểu kiểu vẽ minh họa đơn điệu như trước, nhưng để đạt được sự hài hòa, hấp dẫn từ câu thoại đến ô tranh, để chị Dậu không giống nữ sinh Nhật, nhìn Chí Phèo biết hắn đến từ làng Vũ Đại chứ không phải từ ngoài khơi Caribe, thì cần thời gian để người làm nâng tay nghề và cả người xem biết thưởng thức, cổ vũ.

Để cùng tiếp tục nghĩ xa hơn đến việc hình thành dần một dòng truyện tranh hấp dẫn mang màu sắc Việt, chứ chẳng lẽ in truyện tranh của người bán cho ta mãi?
V.Tiến
(Theo VietNamNet)

Share entrepreneurship

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *