Truyền lửa đam mê truyện tranh Việt

Công ty Phan Thị là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất và xuất bản sách đóng mác Việt Nam theo chu trình khép kín dành cho mọi đối tượng độc giả với sứ mệnh trở thành Đại sứ truyền thông văn hóa Việt – truyền tình yêu văn hóa, lịch sử của dân tộc đến với độc giả. Phụ Nữ Hiện Đại đã trò chuyện cùng chị Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Cty CP Truyền thông Giáo dục và giải trí Phan Thị.

Xin chị giới thiệu đôi nét về bản thân?

Về bản thân tôi cũng không có gì đặc biệt (cười). Tôi là người gốc Quảng Trị, được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, khởi đầu trong ngành tin học, sau đó thì bén duyên với sách rồi dính chặt với trẻ con luôn. Tôi bắt đầu thành lập công ty Phan Thị vào tháng 6/2000. (Có nhiều người hỏi vì sao lại đặt tên là Phan Thị, có phải lấy họ của mình để đặt tên cho công ty không? Và câu trả lời rằng rất nhiều danh nhân văn hóa, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam mang họ Phan).

Đến nay, cũng đã hơn 10 năm “lăn lóc” với sách và trẻ em. Có thể nói, công ty Phan Thị là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất và xuất bản sách đóng mác Việt Nam theo chu trình khép kín dành cho mọi đối tượng độc giả. Sứ mệnh cao cả mà công ty Phan Thị đặt ra để xây dựng hướng đi riêng cho mình là trở thành Đại sứ truyền thông văn hóa Việt – truyền tình yêu văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam đến với tất cả đối tượng độc giả trong và ngoài nước.

Tôi còn nhớ mình đã đọc Thần đồng đất Việt khoảng 10 năm trước với một niềm tự hào rất trẻ con là Việt Nam mình cũng có truyện tranh hay… Chị đã làm điều ấy như thế nào? Vì sao chị lại dám làm đông ki sốt đánh cối xay gió vậy?

Công ty Phan Thị tự hào khi được làm người thổi lửa cho thế hệ trẻ, cho tất cả những ai muốn chung tay góp sức quảng bá văn hóa, lịch sử Việt. Thuộc lịch sử để tự hào, hiểu bản sắc để tự tôn, dùng văn hóa để nâng cao vị thế Việt Nam. Đó là giá trị cốt lõi mà công ty Phan Thị muốn bạn đọc trẻ hướng đến nhằm đưa sách truyện Việt lên ngang tầm thế giới.

Với Thần Đồng Đất Việt, công ty Phan Thị muốn minh chứng truyện tranh Việt đã, đang và trong tương lai sẽ là kênh truyền thông giáo dục tốt nhất cho các bạn trẻ. Và người Việt cũng có truyện tranh Việt đủ sức hấp dẫn lôi cuốn các bạn trẻ Việt Nam.

Làm mềm hóa kiến thức lịch sử văn hóa để văn hóa Việt Nam gần gũi với thiếu nhi và thiếu niên hơn…Chị có nghĩ rằng bản thân chị và cty khá là…ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng?

Thần đồng đất Việt được đông đảo độc giả đón nhận đã cho tập thể công ty Phan Thị niềm tin vững chắc rằng văn hóa, lịch sử dân tộc luôn có chỗ đứng trong lòng giới trẻ nếu biết cách khơi nguồn. Thành công ấy chính là tín hiệu khởi đầu tốt đẹp cho chúng tôi khi mạnh dạn kết hợp các kỹ thuật sản xuất truyện tranh tiên tiến, phương pháp thể hiện hiện đại của thế giới với văn hóa Việt, lịch sử Việt để làm nên những ấn phẩm mang đậm tinh thần Việt. Công ty Phan Thị đã “mềm hóa” những kiến thức lịch sử, văn hóa bằng các câu chuyện hấp dẫn, bổ ích, hài hước thông qua nét vẽ độc đáo, ngộ nghĩnh, vui nhộn cùng màu sắc rực rỡ, ấn tượng.

Chiến lược sắp tới của công ty là trở thành kênh giải trí – giáo dục không thể thiếu trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam. Truyện hay sử Việt là một minh chứng cho bước đột phá về việc đổi mới cách thức tiếp cận lịch sử với độc giả trẻ. Mỗi triều đại sẽ hiện ra rõ ràng, chi tiết với hình ảnh chân thực, sống động, oai hùng, kích thích sự say mê, tìm tòi của thế hệ măng non với bộ môn Lịch Sử. Bộ truyện gây được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường sách lịch sử và được quý thầy cô, các bậc phụ huynh cùng các em nhỏ nhiệt tình ủng hộ.

Bộ truyện Thú cưng, các phiên bản thần đồng đất Việt về kỹ thuật, khoa học, mỹ thuật, toán học… rồi Suối nguồn cuộc sống, Danh tác Việt Nam và nay lại là tô màu theo mùa… Hình như định hướng của Phan Thị hiện nay dàn hàng ngang mà tiến?

Đúng là có sự phát triển về số lượng đầu sách nhưng công ty Phan Thị vẫn trung thành với định hướng: tạo cho mình một diện mạo riêng trong lĩnh vực sản xuất sách, truyện tranh. Trên những nền tảng và thành tựu đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để vinh danh truyện tranh Việt cũng như tôn vinh “lịch sử Việt”, “văn hóa Việt”, không chỉ cho thế hệ trẻ tự hào, tiếp bước truyền thống hào hùng của cha ông mà còn cho bạn bè thế giới biết đến phải nghiêng mình ngưỡng vọng.

Vì sao chị lại chọn kinh doanh sách? Và vì sao lại có ngã rẽ sang kinh doanh học cụ trong thời gian tới?

Giá trị của sách mang đến là kiến thức đọng lại trong trí não bạn đọc, nhưng sự khác biệt của công ty Phan Thị với các công ty kinh doanh sách khác đó là lấy khoảnh khắc vui tươi, những nụ cười hạnh phúc, yêu sử và văn hóa Việt của các bạn trẻ làm công cụ đo lường sự thành công của thương hiệu Phan Thị. Nói đơn giản, chúng tôi không kinh doanh sách mà truyền lửa đam mê sách cho con trẻ. Và chính những khoảnh khắc hạnh phúc khi trẻ yêu quý sách, sách sẽ ở trong lòng và trong tim trẻ.

Não trạng của các bạn nhỏ từ 1-6 tuổi đã bằng 90% não trạng của người lớn. và khoản thời gian này là thời gian vàng cho sự phát triển nhân cách, sự tư duy, lòng yêu nước của các bạn nhỏ. Vì thế công ty Phan Thị muốn mang đến cho các bạn nhỏ những công cụ phù hợp với sở thích và nhận thức đồng thời các công cụ này phải gắn liền với văn hóa tinh thần của người Việt và phù hợp với thế giới hiện đại.Tham gia vào mảng đồ chơi học cụ, đây không phải là ngã rẽ của công ty Phan Thị mà Phan Thị muốn mở rộng thị phần và mang nhiều niềm vui đến cho nhiều đối tượng hơn.

Những băn khoăn của chị về tình hình kinh doanh sách ở Việt Nam hiện nay?

Sách hiện nay rất nhiều, rất phong phú, rất đa dạng nhưng lại rất nghèo nàn. Để giải thích cụm từ này tôi xin được giải thích như sau: Việt Nam có cơ hội và tự hào khi đã hội nhập với thế giới, các nhà xuất bản, các công ty sách thi nhau tìm mua bản quyền các ấn phẩm bestseller, từ đó sách nước ngoài, mang nội dung, văn hóa các nước trên thế giới được dịch ra tiếng Việt thì rất nhiều. Đó là một tín hiệu đáng mừng . Tuy nhiên do say sưa khai thác nguồn văn hóa mới, người lớn đã vô tình thờ ơ với văn hóa Việt.

Đấy là chưa nói đến việc vô tình hay cố ý, người nước ngoài, đã thông qua con đường văn hóa phẩm, khuyến khích người Việt chúng ta làm quen với văn hóa của họ và tự nguyện chấp nhận đưa văn hóa của họ vào cuộc sống hằng ngày. Thậm chí có những quyển sách mà khi ta in ấn phát hành, ta sẽ được họ cho tiền chi phí miễn sao phát hành càng nhiều càng tốt. Bởi gắn liền với nội dung sách nước ngoài có thể quảng bá sự giàu sang, sự tự tôn của họ, thậm chí phô trương cho chúng ta thấy sức mạnh của đất nước họ để…. và còn nhiều thứ nữa nếu chúng ta phân tích sâu hơn.

Từ nghèo nàn tôi muốn nêu lên ở đây là nghèo về văn hóa Việt, nghèo về tinh thần, ý chí của con người Việt Nam, Và cũng rất khó tìm được những quyển sách có nội dung gắn liền với đất nước văn hóa tinh thần Việt dành cho con trẻ. Thật đáng buồn là hiện nay người ta vẫn chưa chú trọng đến truyền bá kiến thức tinh thần Việt cho các bạn nhỏ, cũng vì lý do đấy rất ít sách dành cho thiếu nhi được hình thành từ tinh thần này.

Các bạn trẻ làm việc tại Phan Thị

Sách là lâu bền nhưng những quyển sách của chị sắp tới lại có tính thời điểm: tô màu dịp tết, dịp noel…Xin chị giới thiệu rõ hơn về ý tưởng này?

Trẻ nhỏ thường ít chú ý đến những các sự kiện hoành tráng của người lớn, hình thành điều này vì người lớn chúng ta nghĩ như vậy. Trong thực tế trẻ nhỏ rất trân trọng đón nhận những sự kiện lớn ví dụ như tết, quốc khánh vv… và mong muốn đóng góp công sức vào các sự kiện ấy, nhưng do người lớn có những suy nghĩ chưa đúng, chưa giao cho các bạn nhỏ công việc phù hợp, chưa gắn tư duy của các em vào văn hóa tinh thần Việt nên thường cảm thấy sự nhiệt tình của các em là phiền phức và dồn các em vào phòng với thế giới đồ chơi (của nước ngoài) từ đó tư duy, cảm nhận của các em bị thay đổi, không còn thấy ngày tết là thiêng liêng là cần phải phụ giúp cha mẹ ông bà, thậm chí có bé sớm nhận biết rằng chỉ cần ngồi yên là trở thành 1 bé ngoan.

Nếu người lớn có báo Xuân, có các ấn phẩm nhân các dịp lễ, tết để đọc thì tại sao trẻ nhỏ (nhất là trẻ chưa biết đọc) lại không có một ấn phẩm để các em có thể vừa học vừa chơi trong các dịp này? Mang lại cho các em niềm vui trong từng thời điểm, bồi đắp cho các em những giá trị nhận thức chính là niềm hạnh phúc lâu bền nhất đối với người làm sách. Tính thời điểm để tung các sản phẩm là ngắn hạn nhưng giá trị mang lại của sản phẩm Phan Thị luôn luôn dài hạn. Chính vì thế sau Tô Màu Giáng Sinh, Tô Màu Tết, và sắp tới sẽ còn nhiều sản phẩm khác được xây dựng trong tương lai.

Vì sao chị lại hướng mục tiêu của mình đến thiếu nhi, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo?

Vì lứa tuổi đó ít được các nhà làm sách quan tâm bạn ạ. Nếu tôi hỏi bạn những người làm cha mẹ câu hỏi thật đơn giản: “Đố bạn con/ cái gì bay được? Bạn sẽ thấy câu hỏi là quá dễ và trả lời: máy bay, chim, kinh khí cầu ….Còn trẻ sẽ trả lời: cô tiên, siêu nhân, phù thủy cưỡi chổi và voi, đương nhiên là chú voi Dumbo của hãng hoạt hình Disney.

Từ câu hỏi và câu trả lời này cho thấy, trẻ nhỏ rất dễ tiếp thu và bị ảnh hưởng bởi những gì các em được tiếp cận từ phim ảnh, sách vở… và từ con người, môi trường xung quanh. Nếu các kênh tiếp cận trẻ mang những thông điệp hay, đẹp, giàu cảm xúc… sẽ giúp trẻ sang tạo hơn, tư duy khác đi, khi ấy trẻ sẽ hình thành nên những kỹ năng đặc biệt. Và chính cái khác biệt này trong tương lai nếu được phát triển đúng sẽ tạo ra lợi ích cho bản thân và cộng đồng. Vậy tại sao ta không khơi gợi những tiềm năng của trẻ ngay từ lúc trẻ mới bắt đầu khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh?

Mong rằng với những ấn phẩm của cty Phan Thị, sẽ góp tay cùng các bậc cha mẹ, quý thầy cô tạo ra môi trường mới: sáng tạo, năng động, hiểu biết, hướng con trẻ vào giá trị tuy đơn giản nhưng cao quý là tình yêu gia đình và tình yêu văn hóa Việt.

Xin cảm ơn chị!

Hạnh Trần (thực hiện)

Share entrepreneurship

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *