Thứ 5, 24/07/2008 05:02 PM
Con tôi thường xuyên đọc truyện tranh Nhật bản, thôi thì đủ cả Đô rê mon với Cô nan. Bỗng có một hôm, cháu bảo : « Ba ơi, mua cho con quyển Thần đồng Đất Việt ». Tôi giật mình, Việt nam đã có truyện tranh làm say lòng trẻ con sao?
Cựu Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam
Sự thật là như vậy, cầm cuốn sách nhỏ với Trạng Tý và những bạn Sửu, Dần, Mão và những câu chuyện lấy từ lịch sử dân tộc, tôi thực sự bất ngờ.
Tôi lật vài trang thấy người xuất bản là Công ty tin học Phan Thị. Tôi quyết tâm lần theo số điện thoại, để đến gặp các bạn đó nói một lời cảm ơn đã cho con tôi những bài học quý giá.
Công ty nằm trong ngõ nhỏ quận Phú Nhuận. Tiếp tôi là giám đốc công ty Phan Thị Mỹ Hạnh. Em khoảng 28-29, rất ngạc nhiên khi tôi đến. Công ty không có phòng khách, chúng tôi nói chuyện với nhau ở quán cà phê cạnh đó.
Em kể, mặc dù làm công ty dịch vụ tin học nhưng em rất mê truyện tranh, nhất là sau khi đọc Doremon và các truyện tranh Nhật. Qua mỗi cuốn truyện, em thấy được cả cuộc sống, văn hóa của đất nước Mặt trời mọc. Không chấp nhận một sự thật là Việt nam không có truyện tranh đáng đọc, em quyết định tự mày mò làm.
Cuốn truyện đầu tay của em là về các danh tướng Việt nam, mời toàn hoạ sĩ nổi tiếng tham gia, nhưng thất bại hoàn toàn về mặt thương mại. Em bảo « Tại các hoạ sĩ vẽ người nghiêm túc quá, trẻ con bao giờ cũng thích người mất cân đối, đầu to đít bé. Anh cứ nghĩ mà xem, trẻ con nó vẽ bố mẹ chỉ có cái đầu con chân tay như que tăm ».
Rồi em kể tiếp « Một hôm em ra Hà nội mua được cuốn ‘truyện Trạng Việt nam’, em chợt nghĩ, tại sao lại không lấy cốt truyện này. Trẻ em chắc chắn là thích. Nhưng muốn lôi cuốn được lâu dài, chỉ nên có một nhân vật thôi. Thế là em đổi tất cả các trạng thành Trạng Tý và chua phần bình luận vào cuối mỗi tập ».
« Anh có biết tại sao truyện tranh phải ra định kỳ không? Để bảo vệ bản quyến đấy anh ạ. Trẻ con nó háo hức đọc số sau nên số hiện tại bọn khác in lại cũng khó bán. Tốt nhất là phải làm được hàng tuần như Nhật. Hiện tại em mới chỉ làm được 2 tuần một lần. Trước đây còn cách cả tháng, mà rất tốn nhân lực anh ạ. Người của em đã viết một cái chương trình ‘character’ để quản lí các nhân vật, khi có kịch bản xong là lắp vào ngay. Hy vọng sắp tới xuống được 10 ngày ».
Chẳng nhẽ mình từ FPT lặn lội đến đây mà không bình luận được gì à, tôi hỏi bừa « Nhưng em này, sao em in sách xấu thế, đen sì ? »
« Không phải đâu, chủ ý đấy anh ạ, đen thế bọn nó định photocopy là sẽ bị nhòe hết, không bán được », em vui vẻ trả lời.
Thật quá đơn giản !
Em nói, một cuốn truyện giá bìa 5,000 VND, mỗi số xuất bản khoảng 100,000 bản, công ty em chỉ thu được khoảng 20% (gần 80 triệu VND) còn lại là chi phí in ấn, phân phối… Không phải là nhiều, nếu trừ thêm cả chi phí sản xuất. Nếu ở nước ngoài, chắc em đã có thể giàu hơn khi biết khai thác bản quyền thương mại của tất cả các nhân vật của mình. Em xứng đáng mà.
Giờ đây, có lẽ đa số trẻ em Việt nam đều biết đến tên em qua làng Phan Thị nổi tiếng. Em đã thành công, không chỉ vì một lòng tự hào dân tộc chung chung. Em đã biến sự tự hào đấy thành đam mê, trải nghiệm, và có thể là cả một sự nghiệp. Tôi đã gặp rất ít người như vậy.
Trích NGUYỄN THÀNH NAM – BLOG
Thân gửi chị Phan Thị Mỹ Hạnh,
Là người quan tâm nghiên cứu chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa trong nhiều năm qua, với tập trung chính vào nguồn tư liệu cổ từ các nước phương Tây, tôi xin gửi lời chúc mừng Chị và công ty Phan Thị về sự thành công của bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt – Hoàng Sa – Trường Sa “:
http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/truyen-thong-trung-quoc-dieng-nguoi-vi-truyen-tranh-dong-dat-viet/
Thân mến,
TVC