“Tôi muốn kiến tạo một nền công nghiệp truyện tranh đúng nghĩa”
PNCN – “Sứ mệnh cao cả mà Phan Thị đặt ra để làm hướng đi riêng cho mình là trở thành Đại sứ truyền thông, quảng bá văn hóa Việt” – đó là kim chỉ nam mà người sáng lập nên Công ty Phan Thị – bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã đi theo để nỗ lực và cống hiến gần 10 năm qua.
Không dừng lại ở đó, bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã bước lên một vai trò cao hơn, trọng trách nặng nề hơn khi trở thành Viện trưởng Viện Truyện tranh và phim hoạt hình (trực thuộc Hiệp hội thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam).
SẼ CÓ NỀN CÔNG NGHIỆP TRUYỆN TRANH VIỆT
* Thưa bà, đến thời điểm này, Viện Truyện tranh và phim hoạt hình đã có những bước đi cụ thể như thế nào?
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh: Đến nay, Viện đã xây dựng hoàn thiện chương trình đào tạo, khóa đầu tiên sẽ chiêu sinh vào tháng 10/2014. Tôi rất kỳ vọng vào bước thay đổi này. Từ lâu, chúng ta chỉ có trường dạy vẽ, không có nơi nào dạy sáng tác truyện tranh. Nguồn nhân lực trẻ ra đời vẽ giỏi nhưng không phải ai cũng có tư duy sáng tạo truyện. Viện ra đời sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, khi đã đào tạo một cách chính quy nguồn nhân lực thì sẽ phát triển được đồng bộ các ngành, không chỉ truyện tranh mà còn phim hoạt hình, kịch bản và thiết kế mỹ thuật game.
* Bà từng phát biểu “Viện sẽ nghiên cứu những bài học thành công của truyện tranh thế giới, tiếp thu phổ biến lại cho đội ngũ sáng tác tranh truyện Việt Nam”. Lẽ nào lâu nay đội ngũ sáng tác chỉ làm trong tâm thế thiếu định hướng…?
– Hoàn toàn chính xác! Tôi đã nghiên cứu về lịch sử phát triển của truyện tranh các nước Mỹ, Nhật Bản… Thành công do đâu, đầu tư thế nào, phổ biến rộng rãi ra sao, chọn phân khúc thị trường nào… Họ luôn có chiến lược cụ thể, mỗi quốc gia đều có một phong cách truyện tranh đặc thù khi đi ra thế giới, còn Việt Nam lại thiếu cái riêng.
Nhật Bản từng học hỏi truyện tranh Mỹ để phát triển và rồi tấn công ngược trở lại vào những phân khúc còn bỏ ngỏ ở các nước phương Tây. Chính phủ Nhật đã đầu tư rất nghiêm túc cho ngành công nghiệp truyện tranh. Họ có những hiệp hội giao lưu, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, trong khi đó chúng ta không có gì. Chúng ta hoạt động đơn lẻ, thậm chí nhiều người làm xuất bản, sáng tác truyện tranh cũng rất mơ hồ về thể loại này. Vậy thì làm sao có thể phát triển. Những bài học của các nước có thể đã cũ với họ, nhưng luôn có ý nghĩa với truyện tranh Việt Nam.
* Nhưng lẽ nào chúng ta phải chấp nhận sự đồng hóa, trộn lẫn phong cách vẽ để làm đà phát triển cho tranh truyện Việt?
– Đúng là hiện nay nhiều người sáng tác trẻ trên mạng đang bị ảnh hưởng bởi phong cách Manga, Anime của truyện tranh Nhật Bản. Khi Phan Thị chọn tác phẩm của họ in sách cũng chỉ là tạo môi trường sáng tác và sẽ không can thiệp vào sở thích, lựa chọn sáng tạo của các tác giả, mọi thứ phải để cho cộng đồng quyết định.
Nếu trong một thời gian rất dài người ta yêu thích và muốn giống như ai đó, điều gì đó, thì cũng không thể ngăn cản. Phải coi đó là dòng chảy tự nhiên cho những người trẻ nương theo, còn xã hội sẽ lên tiếng đồng thuận hay phán xét, phản ứng. Cộng đồng sẽ giúp người trẻ nhận ra họ cần thay đổi như thế nào. Có lẽ cần từ hai đến bốn năm nữa để bổ sung nguồn nhân lực. Một đội ngũ được đào tạo khả năng vừa viết vừa vẽ khi tung vào thị trường sẽ giúp xã hội có cái nhìn đúng về ngành kinh tế này.
* Nhưng chúng ta có thể làm nên “sức mạnh bó đũa” không, khi thực tế chỉ rõ rằng họa sĩ truyện tranh khó sống với nghề?
– Thật tâm mà nói, thất bại lớn nhất của tôi trong suốt chặng đường theo đuổi lý tưởng này chính là nguồn nhân lực. Sáng tác truyện tranh vừa khó vừa khổ, vẽ một cuốn sách cũng không kiếm được nhiều tiền so với vẽ bìa, thiết kế logo… Cũng nhiều người có năng lực nhưng ý tưởng, quan điểm sáng tác và mục đích không gặp nhau. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn cố gắng tìm kiếm những dự án thay thế, tiếp nối. Phan Thị đã đi trên hành trình này nhiều năm, gặp không ít rủi ro, nhưng chúng tôi muốn kiến tạo nên một nền công nghiệp truyện tranh đúng nghĩa. Tôi tin chúng ta sẽ làm được.
SỨ MỆNH VĂN HÓA
* Bộ truyện Thần Đồng Đất Việt đáng tự hào đến nay đã được 180 tập (phát triển đa dạng hơn với các bộ Thần đồng toán học, khoa học, mỹ thuật…). Công ty đang tiếp tục bộ mới theo chủ đề: Trường Sa-Hoàng Sa, dự án này có gặp khó khăn về tư liệu?
– Không, ngược lại là đằng khác. Chúng tôi đang có nhiều tư liệu hơn dự kiến. Dự án này cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã có ngân sách phục vụ công tác tìm kiếm tư liệu ở nước ngoài. Chúng tôi đang giữ những tài liệu của Pháp, Ý, Bồ Đào Nha… Những ghi chép trong nhiều tác phẩm đã nhắc đến Trường Sa – Hoàng Sa, nhắc đến “chủ quyền của vương quốc An Nam” trong những chuyến giao thương thời ấy.
Lúc bắt tay dự án, tôi có hơi “khớp” vì đề tài chính trị, lại đang là vấn đề nóng của xã hội. Đến nay, Thần Đồng Đất Việt: Trường Sa – Hoàng Sa đã ra ba tập, chuẩn bị phát hành tập bốn. Chúng tôi lên kế hoạch sau 10 tập như dự tính, sẽ phát triển với nhiều chi tiết kết hợp giai thoại, huyền thoại về biển. Chúng tôi mong muốn không chỉ là những thông tin khẳng định chủ quyền mà thông qua đó còn là những câu chuyện, hình ảnh đẹp về Trường Sa – Hoàng Sa.
* Gắn bó quá lâu với Thần Đồng Đất Việt, có kỷ niệm sâu sắc nào với độc giả của bộ truyện khiến bà cảm thấy ấm lòng?
– Nhiều lắm. Những nhân vật Trạng Tí, công chúa Phương Thìn… đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn tuổi. Có nhiều phụ huynh ở tỉnh bị con “chỉ đạo”: mẹ lên TP.HCM nhất định phải mua trọn bộ Thần Đồng Đất Việt. Có em học sinh lớp 4 đoạt giải nhất cuộc thi lịch sử cấp tỉnh, đã trả lời phỏng vấn rằng em biết nhiều về lịch sử nhờ đọc Thần Đồng Đất Việt. Vì vậy phụ huynh càng thêm tin tưởng và yêu mến bộ truyện. Đó là điều khiến những người làm sách như tôi thấy ấm lòng.
* Nhiều tác phẩm truyện tranh nước ngoài được chuyển thành phim rất thành công. Bà có nghĩ một lúc nào đó sẽ để Thần Đồng Đất Việt lên màn ảnh?
– Chắc hẳn sẽ có. Nhiều đơn vị đã đặt vấn đề mua bản quyền truyện Thần Đồng Đất Việt làm phim cả truyền hình lẫn điện ảnh rồi. Nhưng còn có nhiều điều kiện chưa hợp lý lắm nên tôi chưa chấp nhận. Tôi không nôn nóng ký những hợp đồng mà bản quyền bỗng… thuộc về người khác khi bản thân mình chưa thấy thỏa đáng. Thần Đồng Đất Việt – Trường Sa – Hoàng Sa ngay khi phát hành một ngày đã bị sao chép đưa lên mạng, nhưng tôi không kiện tụng gì. Bởi xét ở ý nghĩa, phổ biến kiến thức chủ quyền biển đảo cho cộng đồng cũng chính là mục đích của Phan Thị. Vì thế, nếu gặp được đạo diễn tôi tin tưởng, có tâm huyết, muốn phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội, tôi sẵn sàng tặng miễn phí mà không đòi hỏi gì cả.
* Tự đặt ra sứ mệnh truyền bá văn hóa bằng truyện tranh, bà có thấy đó là gánh nặng vô hình trên vai?
– Lộ trình tôi đã và đang đi là muốn những người trẻ sau này hiểu đúng về truyện tranh để có thể cùng đóng góp, trở thành những đại sứ truyền thông bản sắc văn hóa Việt. Tôi cũng hiểu trong tình hình hiện nay, không phải cứ muốn là được. Thậm chí ngay cả chuyện phát huy sáng tạo cũng chỉ là tự do trong khuôn khổ. Chúng ta đang thiếu truyện tranh cho tuổi “teen”, ai cũng thấy vậy, nói vậy, nhưng ngay cả khi muốn làm đúng với tâm lý tuổi “teen” hiện nay thì cũng chưa chắc đã được chấp nhận, thậm chí có thể bị “đánh hội đồng”. Một khi vượt qua được những rào cản này, cần xác định rõ phân khúc thị trường, sáng tác truyện tranh cho đúng, phù hợp với những độ tuổi, tâm lý các em thì truyện tranh sẽ phát triển.
* Có ai từng hỏi vì sao bà nhất định theo đuổi truyện tranh mà không phải là bất kỳ thứ gì khác?
– Từ nhỏ tôi đã có khuynh hướng tìm tòi, lý giải những vấn đề mang tính kỹ thuật, tìm hiểu cách vận hành, luôn hướng đến cái gì đó thật rõ ràng, chính xác. Tôi hay lý giải những nguyên tắc và muốn thử nghiệm. Thói quen đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc đưa lập luận logic của mình vào những sáng tạo, nghệ thuật, tâm lý khoa học. Và tôi đã mang tất cả những điều đó vào truyện tranh. Tôi không cho rằng đây là lĩnh vực nghệ thuật, mà chính xác hơn là kỹ thuật, sáng tạo. Tôi từng nghiên cứu kỹ thuật đồ họa khi tin học chưa phát triển ở Việt Nam. Tôi từng thất bại cay đắng lúc khởi đầu, nhưng tôi nghĩ, cái gì cũng vậy, phải kiên định mới phát triển bền vững được.
TIỂU QUYÊN (thực hiện)