Bạc tóc vì truyện tranh Việt Nam

Chỉ sau 3 năm, từ một cô gái trẻ, nay tóc chị đã lấm chấm muối tiêu. Người ta bảo chị “điên” vì chị đã “dám” làm truyện tranh Việt Nam (TTVN) giữa thời buổi truyện tranh nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật tràn ngập…

Trước chị, đã có khá nhiều người “mạo hiểm” nhưng quả không ai “đeo bám” quyết liệt và hăng hái như chị.

 

 
“Cô Hạnh” của các em.

Chị là “chủ xị”, là “đầu tàu” của Công ty Phan Thị – nơi khai sinh ra nhân vật trạng Tí – “Thần đồng đất Việt” nổi tiếng sắc sảo, thông minh, tài trí… được hàng triệu trẻ em VN yêu thích.

“Trẻ em có nhu cầu đọc truyện tranh rất lớn vì tư duy các em là tư duy hành động, cảm tính, trực quan. Cũng vậy, nhu cầu đối thoại của các em rất cao, nhưng ngày nay, ngoài giờ học bù đầu bù cổ ở trường, về nhà, ông bà cha mẹ ít rảnh rang để trò chuyện cùng con trẻ. Vậy nên chúng chỉ còn biết tìm đến truyện tranh như một điều tất yếu. Truyện tranh là bạn, là thế giới đối thoại của chúng. Vấn đề là tại sao trẻ em VN chỉ say mê đọc truyện tranh nước ngoài? Một phần vì chúng chẳng có TTVN để mà đọc, không ai làm và có làm cũng không thực sự vì chúng. Nhìn chúng khoái trá, say sưa với Téppi, Đôrêmon… chị ức lắm và thế là “Thần đồng đất Việt” ra đời” – chị Hạnh nói đơn giản về sự “chào đời” của các “Trạng”.
Nhưng đằng sau câu trả lời giản dị ấy là một sự đánh đổi, không loại trừ cả tuổi trẻ và hạnh phúc cá nhân.

Từ chuyên ngành vi tính và khao khát làm truyện tranh, từ những ý tưởng kịch bản, phác thảo nhân vật ban đầu… chị quyết định đi tìm họa sĩ có nét vẽ hóm hỉnh, duyên dáng như những nhân vật của mình, và chị đã “nuôi” họa sĩ suốt hai năm chỉ để họ tìm tòi cái riêng cho từng nhân vật ấy.

Dốc hết vốn liếng vào “sự nghiệp”, thế nhưng quyển tryện tranh đầu tiên ra đời với bộ mặt thảm hại. Do in số lượng ít, tiền bạc lại hạn chế nên nhà in họ lấy giấy thừa, giấy vụn để in. Giấy mỏng, hình lem trang này qua trang kia đen thui… Cầm quyển truyện trên tay, chị ngồi phịch xuống nền nhà in mà ứa nước mắt. Tết năm ấy là một cái tết “kinh hoàng” đối với chị, chị chỉ nằm nhà trùm chăn, tay ôm quyển truyện mà lòng ngổn ngang…

“Đi vào lĩnh vực xuất bản là đi trên con đường đầy gai, còn làm TTVN là đi trên con đường đầy đinh và lửa!”, chị tiếp. Cuối cùng, khi những quyển truyện tranh tương đối hoàn chỉnh đầu tiên ra đời, chị lại vấp phải khó khăn khác: phát hành. Làm sao chúng đến được tay các em? Các nhà sách, các chủ sạp báo đều khoát tay, lắc đầu: “Để chật chỗ, TTVN ai mà mua…”. Cho người đứng ở các ngã tư phát tờ bướm quảng cáo thì bị cảnh sát 113 “hỏi thăm” vì gây rối trật tự công cộng và xả rác!

Hết cách, chị quyết định nhờ báo chí giúp. Chị gửi sách đến hầu hết các báo, kèm theo lời giới thiệu “đây là TTVN trăm phần trăm, do người VN làm, họa sĩ VN vẽ”, kèm theo thư cảm ơn in trên giấy màu hồng như thiệp cưới. Và báo chí đã vào cuộc, hân hoan truyền thông đến bạn đọc: quả đây là TTVN 100%!

 
“Thần đồng đất Việt Fan Club” – sân chơi của các em yêu thích vẽ TTVN.

Bây giờ, khi “Thần đồng đất Việt” đã có một vị trí xứng đáng trong lòng độc giả, đã ra mắt được gần 70 tập, chị Hạnh lại tiếp tục tâm đắc và dốc sức với “Thần đồng đất Việt Fan Club” – sân chơi của bạn đọc yêu thích truyện tranh VN. “Là nơi đăng tải TTVN do chính các em sáng tác và tự tay các em vẽ bằng những nét vẽ ngây ngô nhưng sinh động đến tuyệt vời. Khi chỉ một, hai em, lúc cả nhóm cùng làm chung một truyện, em vẽ, em tô màu, em scan, em làm đồ họa vi tính… Các em tự tạo lập nhóm gắn kết với nhau trong công việc, cũng là cách các em giải trí, thư giãn, bày tỏ mình… Đây là mảnh đất màu mỡ ươm mầm tài năng cho TTVN sau này”, chị cười thật rạng rỡ. Khi công ước Berne – công ước quốc tế về bản quyền – được thực thi ở VN,  sẽ không còn cảnh TT nước ngoài tràn ngập, đó chính là “thời điểm vàng cho sách VN, cho TTVN”. Nhưng chị vẫn không khỏi canh cánh âu lo: “Từ nay muốn in của người ta phải mua tác quyền. Thế nhưng các nhà xuất bản trong nước đã “luộc” sách, “luộc” ý tưởng, lôi kéo chất xám của chúng tôi thì sao? Chúng tôi chỉ muốn một sự cạnh tranh công bằng, vì sách Việt, vì TTVN vốn đã quá nhỏ nhoi so với người ta rồi”.

Bạn tôi nói, để lao ra thương trường không chỉ cần bản lĩnh, nghị lực… mà còn cần dồi dào sức khỏe. “Người bạc tóc vì TTVN” này không chỉ đầy đủ các điều kiện trên, mà còn thêm sự quyết đoán hiếm thấy ở người phụ nữ và bản tính mộc mạc, giản dị, cùng với lòng yêu trẻ đến lạ kỳ. “Lính” của chị kể, khi hết giờ làm việc ai nấy về nhà, riêng một mình chị ở lại cặm cụi dò từng địa chỉ, số điện thoại của các em để gọi tới hỏi thăm, khích lệ, động viên các em trong học tập, trong cuộc sống, trong những mẩu truyện tranh các em vẽ. Nhiều em mỗi lần nhận được điện thoại của cô Hạnh là mừng lắm, líu lo kể đủ thứ chuyện, như với một người bạn tâm tình. “Hôm nay là ngày Phụ nữ Việt Nam, cháu chúc cô Hạnh mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn sáng suốt để phục hưng TTVN – Cháu Tuấn”. Đây là mẩu tin nhắn vào máy điện thoại của chị mà chị rất quý và lưu giữ đến nay. Và tôi hiểu, đó chính là “bí kíp” giúp chị thành công.

SONG PHẠM

Share entrepreneurship

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *